Đây không phải trường hợp đầu tiên xảy ra do tinh thần “cuồng nhiệt” bóng đá của một số người. Năm ngoái, một nữ cổ động viên đã phải nhập viện vì trúng pháo sáng ở trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định tại vòng 22 V.League diễn ra cũng trên sân Hàng Đẫy.
Pháo sáng không bị dập tắt dễ dàng vì được thiết kế để thích ứng với môi trường nước. Không những thế, loại pháo này có thể cháy tới nhiệt độ 1.6000C (nhiệt độ nóng chảy của thép), có loại lên đến 3.0000C, là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của nhiều người trong không gian người người san sát ở các sân vận động.
Tuy nhiên, những người sử dụng pháo sáng tại sân vận động bóng đá vẫn vô tư bất chấp nguy hiểm của nó. Dù bài học nhãn tiền khi kẻ đốt pháo đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng vẫn có người lại tiếp tục hành động như vậy trong sân?! Đó là tình yêu bóng đá hay hành vi thách thức luật pháp? Không thể nhân danh sự hâm mộ với môn thể thao để bào chữa, dung túng cho hành vi làm mất trật tự công cộng với những kẻ quá khích này được.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến Ban Tổ chức sân Hàng Đẫy, kể cả Ban Tổ chức giải, khi chưa thể tìm ra tận gốc lỗ hổng an ninh trong công tác tổ chức, nên pháo sáng vẫn lọt vào trong. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho các cổ động viên và khiến hình ảnh người hâm mộ bóng đá nước nhà trở nên xấu xí.