Theo đó, có 5 nhóm vấn đề được UBTVQH tổng hợp, đề xuất trình Quốc hội xem xét để lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn chính thức.
Một là, giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Hai là, công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng. Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; thực trạng xử lý rác thải và giải pháp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục.
Bốn là, thực trạng thị trường lao động ở nước ta; công tác quản lý xuất khẩu lao động. Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo, nhất là việc làm cho thanh niên, lao động nữ, sinh viên mới ra trường. Tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Năm là, công tác quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị, nhất là công tác cấp phép xây dựng các chung cư cao tầng tại các khu trung tâm của các thành phố lớn.
Trên cơ sở các nhóm vấn đề này, dự kiến các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn chính tại Kỳ họp này gồm: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (nhóm vấn đề 1); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nhóm vấn đề 2); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhóm vấn đề 3); Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nhóm vấn đề 4) và Bộ trưởng Bộ Xây dựng (nhóm vấn đề 5). Các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ khác cũng sẽ tham gia giải trình thêm về các nội dung
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã ký báo cáo của UBTVQH về tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV nêu rõ căn cứ và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó, tính đến 17h ngày 24/5/2018, UBTVQH đã nhận được 120 nhóm vấn đề từ tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; 92 vấn đề chất vấn từ 36 văn bản đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; 54 câu hỏi chất vấn từ 40 Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; cùng với 79 nhóm vấn đề từ tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội.
Về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Báo cáo nêu rõ: Là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề chất vấn đã được người bị chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời, được UBTVQH đồng ý trình Quốc hội xem xét cho trả lời tại kỳ họp. Không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn; phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn.
Về tiêu chí lựa chọn người trả lời chất vấn: Phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người trả lời chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài 5 nhóm vấn đề nêu trên, UBTVQH cũng đề nghị đại biểu Quốc hội có thể đề xuất nhóm vấn đề khác thông qua Phiếu xin ý kiến để tổng hợp, thông báo chính thức đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tổ chức hoạt động chất vấn theo chương trình Kỳ họp.
Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, dự kiến, trong tuần tới, UBTVQH sẽ “chốt” các nhóm vấn đề chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Kỳ họp này./.
Theo Chính phủ