Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai: Những khuất tất cần làm rõ

PV - 10:55, 18/07/2018

Năm 2014, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai được triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm nhưng vẫn chưa có giọt nước nào.

Người dân Đồng Tuyển “khát” nước sạch

Sinh sống ở thôn Củm Thượng 1, xã Đồng Tuyển hơn 20 năm nay, hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Liên hiểu được sự khó khăn trong việc thiếu nước sạch sinh hoạt là như thế nào. Mùa mưa đã vậy, vào mùa khô cả gia đình dè sẻn, tiết kiệm từng xô nước được lấy từ mạch ngầm cách nhà gần 1km. Khi nghe tin xã triển khai xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch về phục vụ nhân dân trong xã, chị Liên không khỏi vui mừng, vì chẳng bao lâu nữa gia đình chị và bà con trong xã sẽ hết cảnh khát nước.

nước sạch Các hạng mục đã thi công đang xuống cấp nghiêm trọng.

“Gia đình đã đầu tư mua đường ống, xây bể để lắp đồng hồ nước... nhưng càng chờ càng chẳng thấy nước đâu. Hệ thống đường ống lắp dọc hai bên đường giao thông giờ cũng bị gãy, vỡ rất nhiều. Tình hình này cũng chẳng biết bao giờ bà con mới có nước sạch để dùng”, chị Liên ngao ngán.

Không chỉ gia đình chị Liên mà hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Đồng Tuyển đang sống trong cảnh thiếu nước sạch. Cách đây vài năm, gia đình ông Lưu Văn Phẩm, ở thôn Củm Thượng 1 cùng với 3 hộ gia đình trong thôn góp tiền đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên vào mùa khô, lượng nước giếng không đủ cung cấp cho các gia đình. Để khắc phục các hộ phải chia ngày ra để bơm nước về.

“Bây giờ 4 gia đình chúng tôi phải phân ra để bơm nước về. Ví dụ như hôm nay, nhà tôi bơm thì 2 ngày nữa gia đình tôi mới đến lượt vì nước giếng cạn chỉ được hơn mét nước thôi. Tuy nhiên mấy năm gần đây, sau khi nhà máy xử lý rác thải thành phố xây dựng, rồi Nhà máy tuyển A pa tít Bắc Nhạc Sơn đi vào hoạt động thì chất lượng nước giếng cũng không được bảo đảm, nhiều hôm nước bơm về nổi váng. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, vẫn phải dùng thôi. Đấy là chúng tôi cũng còn may mắn khi giếng đào vẫn có nước dùng, chứ nhiều hộ bỏ hàng chục triệu đồng ra khoan giếng mà nước không thể dùng được vì có mùi tanh rất khó chịu”, ông Phẩm cho biết thêm.

Không chỉ các hộ dân bức xúc mà việc thiếu nước sạch sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn xã. Ví dụ như tại Trường Tiểu học xã Đồng Tuyển, để có nước sinh hoạt cho khoảng 100 em học sinh bán trú, nhiều năm nay nhà trường phải mua nước của các hộ dân xung quanh, rất bất tiện và tốn kém nhưng cũng không còn giải pháp nào khác. Ngay tại trụ sở UBND xã Đồng Tuyển cũng phải dùng nhờ một số giếng của các hộ dân, còn nước uống thì xã phải... đi mua nhiều năm nay.

Những khuất tất cần làm rõ

Qua tìm hiểu được biết, tổng kinh phí đầu tư cho công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Đồng Tuyển, lên tới gần 3,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho một số thôn, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hóa trung tâm và 3 trường học.

Cụ thể, theo Quyết định chỉ định thầu của UBND TP. Lào Cai ngày 12/8/2014, UBND xã Đồng Tuyển được giao chủ đầu tư ký Hợp đồng số 06/HĐ-TCXD với Công ty Cổ phần Nguyễn Phan (có địa chỉ tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai) với nội dung thi công xây lắp công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Đồng Tuyển với giá trị hợp đồng 2 tỷ 445 triệu đồng. Tiếp đó, cũng theo Quyết định chỉ định thầu khác của UBND TP. Lào Cai, ngày 6/1/2015, UBND xã Đồng Tuyển tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Nguyễn Phan thi công công trình cấp nước sinh hoạt thôn 4 và 5 xã Đồng Tuyển với giá trị hợp đồng xây lắp là gần 900 triệu đồng.

Nguồn vốn của hai công trình này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và ngân sách TP. Lào Cai. Tuy là hai hợp đồng thi công xây dựng, nhưng thực chất đây là hai hợp phần của một công trình cấp nước sinh hoạt. Thời hạn hoàn thành công trình và bàn giao cho chủ đầu tư theo hợp đồng thứ nhất là ngày 12/4/2015; thời hạn hoàn thành công trình theo hợp đồng thứ hai là ngày 30/6/2015.

Tuy nhiên, đến thời điểm này sau hơn 3 năm công trình vẫn dang dở, khiến cho người dân rất bức xúc. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hoàng Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển cho biết: Công trình nước sạch này được thi công từ thời ông Lê Hữu Minh còn làm Chủ tịch UBND xã (hiện ông Minh đã chuyển về văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai và khi chuyển đi công trình này cơ bản đã kết thúc đầu tư). Trước thực trạng công trình chậm tiến độ UBND xã đã nhiều lần gửi giấy mời tới nhà thầu là Công ty Cổ phần Nguyễn Phan, nhưng đơn vị này tránh né, không hợp tác.

Có một điều khó hiểu đó là, mặc dù công trình còn dang dở, chưa một ngày hoạt động nhưng tổng số tiền mà chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu đối với 2 hợp đồng của dự án cấp nước sinh hoạt xã Đồng Tuyển (tính đến hết năm 2016) là 3 tỷ 140 triệu đồng, chiếm 93,8% tổng giá trị hợp đồng (?).Những khuất tất này người dân nơi đây rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới.

Ông Tô Ngọc Liễn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai thông tin: “TP. Lào Cai đã nắm được vụ việc và đã yêu cầu Công ty Cổ phần Nguyễn Phan phải thi công và hoàn thành công trình trong tháng 7 này. Nếu hết tháng 7, phía nhà thầu không hoàn thành chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị làm rõ”.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.