Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đông Nam bộ: Đối mặt với nguy cơ cháy, nổ giữa đỉnh điểm mùa khô

PV - 11:15, 18/03/2019

Hiện nay, thời tiết tại khu vực Đông Nam bộ đang vào những tháng cao điểm của mùa khô 2019. Những đợt nắng nóng làm cho lá cây, cỏ… tại các khu rừng trở nên khô hanh và rất dễ cháy. Thêm vào đó là tình trạng đốt cỏ, đốt rác bừa bãi, không kiểm soát, đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư. Nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các khu vực này.

 Diễn tập công tác PCCCR tại huyện Bù Đăng (Bình Phước). Diễn tập công tác PCCCR tại huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Cần cảnh giác với “giặc lửa”

Mới đây (tối 3/3), hàng chục hộ dân ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) hoảng loạn di dời tài sản ra khỏi nhà khi một đồng cỏ bất ngờ bốc cháy dữ dội, khiến lửa và khói lan tỏa khắp một vùng rộng lớn. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh Đồng Nai đã phải mất gần 2 giờ mới khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Tuy đám cháy không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng cũng đủ làm người dân ở đây hoảng loạn. Trước đó vào chiều 22/2, từ một đám cháy cỏ ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) cũng gây cháy bén vào một rừng tràm gần đó. Trước nguy cơ đám cháy ngày càng bùng phát mạnh, có nguy cơ lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng đến người và tài sản của Nhân dân, ngoài lực lượng chữa cháy địa phương, huyện Nhơn Trạch còn huy động lực lượng chữa cháy của Căn cứ 696 và Kho 862 (Vùng 2 Hải quân) để tham gia dập lửa. Sau hơn 4 giờ chữa cháy, đám cháy mới được khống chế. Tuy nhiên do thời tiết hanh khô, lửa bùng phát nhanh đã làm cháy rụi 5ha rừng tràm và 10 căn nhà lá của người dân.

Tại huyện Bù Đốp (Bình Phước) hiện có hơn 10.000ha rừng đang có nguy cơ cháy ở mức cao. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Cụ thể, Trạm Kiểm lâm Bù Đốp và các đơn vị chủ rừng đã đào hố nhân tạo chôn 22 hồ nhựa chứa nước dưới đất ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Tại các khu vực trọng điểm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp đã phân công ba chốt, mỗi chốt có 6-7 người để thường xuyên tuần tra trong rừng.

Tại khu vực cạnh rừng Bù Đốp hiện còn có hơn 10 hộ dân đang trồng cây điều, hồ tiêu từ dự án cấp đất an sinh xã hội. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã về quy định về bảo vệ rừng (BVR), PCCCR, Kiểm lâm còn yêu cầu người dân sống ven rừng cam kết không thực hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện đối tượng xâm hại rừng.

Tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) với diện tích rộng hơn 33 ngàn ha, nguy cơ “bà hoả” viếng thăm cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Vũ Anh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, khó khăn chủ yếu là địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên các hoạt động tác động tiêu cực vào rừng là rất lớn. Tình hình bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây không đúng mục đích tồn tại nhiều năm chưa xử lý triệt để.

Các đối tượng phá rừng làm rẫy ngày càng manh động, thực hiện hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với một số đối tượng lén đốt rừng để lấy đất sản xuất, gây nhiều khó khăn cho công tác PCCCR.

Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đại úy Nguyễn Văn Thể, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Đồng Nai) cho hay: Để ngăn chặn hiệu quả cháy nổ xảy ra trong mùa khô, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nếu chỉ có riêng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cảnh sát PCCC, e khó phát huy được hiệu quả.

Trong số các giải pháp, cần lấy công tác tuyên truyền làm đầu, trong đó chú trọng đến công tác phổ biến về kiến thức PCCC, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng thoát nạn… Đối với công tác PCCCR, thì cần tăng cường tuyên truyền về chấp hành các quy định của Nhà nước về Bảo vệ và PCCCR tại UBND các xã, trụ sở các ấp, các chốt, trạm bảo vệ rừng; bố trí thêm phương tiện, bồn chứa nước, dụng cụ PCCCR ở các chốt trạm, đội quản lý BVR, đồn, chốt biên phòng, chốt dân quân… tiếp tục xử lý đốt chủ động tại các điểm đã có kế hoạch, tạo đường băng trắng khu vực ven đường, ven trảng đảm bảo không để cháy lây lan vào rừng; kiểm tra nhắc nhở các hợp đồng nhận khoán thực hiện xử lý thực bì cục bộ ở bờ lô, bờ ranh, những nơi còn có khả năng xảy ra cháy. Mỗi chốt trạm BVR đều bố trí nhân viên trực phòng chống cháy 24/24 giờ…

Bất cứ nơi đâu, thảm họa do “giặc lửa” gây ra luôn hết sức khôn lường. Nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy nổ không gì khác là xuất phát từ suy nghĩ chủ quan, lơ là, cũng như hành động bất cẩn của con người. Cũng chính vì lẽ đó, mong rằng, thông điệp mang tính cảnh báo “phòng cháy hơn chữa cháy” không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu, mà phải được hưởng ứng bằng hành động cụ thể hằng ngày.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cao điểm mùa khô, nhiệt độ có thể lên mức 38-39 độ C. Nguy cơ cháy nổ là rất cao, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… hầu hết những diện tích rừng của các địa phương này có nguy cơ cháy rất cao và thường xuyên ở cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm).

BẰNG GIANG

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.