Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong nhiều niềm vui mới

PV - 14:47, 05/04/2019

Đối với đồng bào Khmer, Tết Chôl Chnăm Thmây tháng Tư hằng năm là Tết đón mừng năm mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là: thêm một tuổi, thêm nhiều niềm hy vọng, sự may mắn, tốt lành. Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng quà cho Hoà thượng nhân Tết Chôl Chnăm Thmây 2018. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng quà cho Hoà thượng nhân Tết Chôl Chnăm Thmây 2018.

Hằng năm, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào giữa tháng Tư dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày mà tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm để xác định ngày, giờ cụ thể từng năm. Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 14-16/4.

Vào những ngày Tết sẽ diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer, như Lễ mừng năm mới, Lễ dâng cơm lên chùa, Lễ tắm tượng Phật, Lễ đắp núi cát, Lễ cầu siêu…, chủ yếu tổ chức tại các chùa Nam tông Khmer, dưới sự điều hành của các vị acha. Trong ba ngày Tết, bà con Khmer đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới, chúc nhau sức khỏe, có cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, các chàng trai, cô gái không thể không tham gia các cuộc thi hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rôm vông, lâm thôn…

Có dịp về với đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… mới cảm nhận được không khí đón Tết truyền thống của đồng bào. Ngay từ những ngày đầu tháng Tư, không khí chuẩn bị đón Tết đã tràn ngập các phum sóc, thôn ấp. Các gia đình Khmer, ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa khang trang sạch đẹp. Các nghệ nhân thì tập trung chỉnh sửa dụng cụ nhạc ngũ âm. Nam thanh, nữ tú mải mê ôn luyện những điệu múa truyền thống để chuẩn bị khoe tài, khoe sắc trong những ngày Tết sắp đến…

Càng gần những ngày Tết, không khí càng hân hoan, tưng bừng. Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cảm nhận, ông rất vui khi mỗi một lần Tết mới là thêm một lần chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Khmer. Sức sống mới thể hiện trên gương mặt phấn khởi của từng người; trên màu từng nếp nhà vừa được xây dựng, sửa sang khang trang; trên từng mâm cơm cúng tổ tiên, dâng các nhà sư với tất cả sự thành kính…

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, Ủy ban Dân tộc phối hợp với TP. Cần Thơ, tổ chức họp mặt, mừng Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 cho đồng bào Khmer với sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc làm này thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước trong việc giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

Hòa chung không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer ở xã Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) năm nay đón Tết càng vui hơn bởi, cùng với sự cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, xã vừa được công nhận nông thôn mới (NTM); đồng bào thì trúng vụ khoai môn (khoai sọ), được giá, được mùa, nhà nhà nhộn nhịp trang hoàng và mua sắm.

Tết Chôl Chnăm Thmây Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nhan Ra Ni, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú thông tin, Trà Cú là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 62% dân số); có xã, ấp tỷ lệ người dân tộc Khmer chiếm đến 98%. Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ và sự nỗ lực của người dân, tính đến cuối năm 2018, hầu hết các trung tâm xã, đường liên xã, liên ấp được bê tông hóa trên 80%; điện lưới quốc gia đến 100% ấp, khóm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% năm. Tỷ lệ cán bộ người Khmer tham gia các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện nhiều hơn so với các năm trước.

Nói về sự thay đổi đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng hôm nay, Hòa thượng Thạch Sok Xane nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc Nhà nước ta xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược của đất nước. Từ chủ trương này, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên dành nhiều nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc.

Hòa thượng dẫn chứng, để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào Khmer, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành 2 chỉ thị riêng, là Chỉ thị 68 năm 1991 (về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer) và Chỉ thị 19 năm 2018 (về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới). Từ tinh thần chỉ đạo của 2 chỉ thị này, hàng loạt chính sách đặc thù với nhiều nguồn lực được đầu tư, hỗ trợ đã và đang thúc đẩy vùng dân tộc Khmer phát triển một cách toàn diện. “Từ việc cụ thể hoá các Chỉ thị, hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước có nhiều mặt tiến bộ, nổi bật nhất là duy trì việc giảng dạy chữ Khmer, chương trình Pali, Phật học tại nhiều điểm chùa. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy; an ninh, trật tự trong vùng dân tộc Khmer được ổn định”, Hòa thượng cho biết…

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.