Trước đây, nguồn thu nhập chính của bà con đồng bào Khmer huyện Long Phú chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do sản xuất kém hiệu quả, giá cả đầu ra các sản phẩm nông sản luôn bấp bênh, nên số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer luôn cao hơn so với các dân tộc anh em trong cộng đồng. Những năm gần đây, nhất là từ khi các Chương trình mục tiêu của Chính phủ được triển khai, đời sống của bà con không ngừng nâng lên.
Ông Thạch Thương ngụ tại ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng chia sẻ: Gia đình tôi có 16 công đất, nhưng trước đây ở vùng này đường sá đi lại khó khăn, kênh thủy lợi chưa được nạo vét, bản thân tôi cũng thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, nên làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Vài năm gần đây, địa phương được đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nên gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình canh tác. Ngoài 2 vụ lúa, tôi còn trồng thêm 2 vụ màu/năm, nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Còn chị Sơn Sà Ry ở ấp Kokô, xã Tân Hưng cho biết, trước đây nhà chị có 5 công ruộng nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, nên cuộc sống gia đình rất vất vả luôn trong diện hộ nghèo. Năm 2008, nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò, cho vay tiền xây chuồng nuôi và được hướng dẫn kỹ thuật, nên hiện đàn bò đã tăng lên 6 con, cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Đến nay chị đã xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng.
Men theo con đường nhựa phẳng lì, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ương ở ấp Bưng Long (xã Long Phú – Long Phú). Trước đây, gia đình ông Ương thuộc diện nghèo nhất nhì trong xã, giờ ông đã có trong tay 11 con bò, chuộc lại sáu công ruộng, lo cho con cái ăn học đàng hoàng, không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Ông Ương khoe với chúng tôi: Lúc trước, thấy gia đình tôi nghèo khó, Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền lãi suất thấp mua hai con bò về nuôi. Từ đó, tôi quyết vượt khó, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, mỗi năm tích lũy thêm chừng 60 triệu đồng. Cuộc sống giờ khỏe re!
“Được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho bà con dân tộc Khmer, gia đình tôi đã được kéo điện, nước miễn phí. Vốn đầu tư sản xuất cũng được xét cho vay với lãi suất thấp. Giờ chỉ còn mỗi việc chăm chỉ làm ăn, áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên no ấm”- ông Trần Ương nói.
Ông Huỳnh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết: “Thời gian qua, Long Phú chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ từ năm 2010 – 2016 với tổng kinh phí trên 10, 6 tỉ đồng, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho 117.400 khẩu, các chương trình, dự án khác đã đầu tư gần 5 tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer...
Nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi, cùng với ý thức vươn lên của đồng bào Khmer, nên nhiều hộ đồng bào Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay, cuộc sống của đồng bào Khmer Long Phú đã được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer đã giảm dần và số hộ khá, giàu liên tục tăng lên. Chỉ tính riêng trong năm 2017, huyện Long Phú có gần 1.000 hộ thoát nghèo, trong đó hộ đồng bào Khmer có gần 400 hộ. Hiện hộ nghèo trong đồng bào Khmer là 1.547 hộ, chiếm tỷ lệ 19,32%”.
“Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng có đông đồng bào Khmer của huyện Long Phú đã giúp đời sống người dân thêm khởi sắc, nhiều phum sóc đổi thay…”-ông Huỳnh Đức khẳng định.
PHƯƠNG NGHI