Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đến bao giờ di tích ngừng “kêu cứu”?

Hồng Minh - 15:40, 23/04/2021

Thực trạng di tích cổ, trong đó, có nhiều di tích cổ ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, bị xuống cấp đã và đang tiếp diễn. Câu hỏi đặt ra là, đến bao giờ di tích ngừng “kêu cứu”?.


Vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian của Dinh thự Hoàng A Tưởng (ảnh tư liệu)
Vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian của Dinh thự Hoàng A Tưởng (ảnh tư liệu)

 Người ta vẫn thường nói, giá trị của một di tích nằm ở niên đại của nó. Thế nhưng, một di tích có niên đại càng cao, đồng nghĩa việc di tích đó đứng trước nguy cơ xuống cấp càng cao. Nghiêm trọng hơn chính là, di tích đã xuống cấp, "kêu cứu" nhưng chưa được đáp lại.

Đơn cử là di tích Dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - một điểm đến du lịch hấp dẫn thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Khu nhà Vương.

Sau hơn 100 năm tồn tại và gần 15 năm được sử dụng, khai thác làm điểm tham quan du lịch, tòa dinh thự hiện đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, bên trong khu vực tòa dinh thự, phần ngói phía trước mái bị xô lệch, vỡ, lọt sáng. Tường bị ố và bong tróc do thấm nước. Một số cấu kiện gỗ bị ải mục…

Được biết, tình trạng xuống cấp này, đã được chỉ ra tại Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020, của Thanh tra tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, cho đến nay, tòa dinh thự này vẫn không được trùng tu, sửa chữa theo các quy định của Luật Di sản và các quy định pháp luật hiện hành.

Cũng là một tòa dinh thự nằm trong vùng DTTS và miền núi, Dinh thự Hoàng A Tưởng, còn gọi là dinh thự “Vua Mèo xứ Bắc Hà” - ngôi nhà quyền lực nhất vùng Cao nguyên trắng Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có niên đại hơn 100 năm tuổi, nay đã xuống cấp nhưng vẫn chưa có một đề án riêng để trùng tu, tôn tạo.

Dinh thự họ Vương hay Dinh thự Hoàng A Tưởng, chỉ là hai trong số nhiều các di tích nói chung vẫn đang từng ngày “kêu cứu”.

Thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 8 di tích và thắng cảnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia và gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Việt Nam đã có 8 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. 

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách bảo vệ di sản văn hóa vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nên chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng, giá trị văn hoá, lịch sử, giá trị kinh tế trong lĩnh vực này.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu, nguyên Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam từng chia sẻ: “Nhiều năm qua, các di sản, các công trình văn hoá đang “kêu cứu” vì xuống cấp khiến nhiều người xót xa. Thực tế là những di tích cấp xã, quận, huyện không có kinh phí sửa chữa, hoặc chỉ sửa chữa được một phần nên sinh ra chuyện chắp vá, làm mới và phá hỏng di tích. Không ít di tích bị lấn chiếm, bị thu hẹp không gian. Để tôn tạo những di sản này, cần có những đánh giá khách quan, đầy đủ để các công trình văn hoá giữ được nét cổ kinh, hoài niệm như ban đầu, không bị làm sai lệch các chi tiết quý, mang ý nghĩa lịch sử”.

Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề bảo tồn các di tích cổ trong cả nước nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng đang đòi hỏi một cách cấp thiết. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để vừa giữ được giá trị cổ xưa của di tích, nhưng lại giúp di tích đó vẫn phát huy giá trị theo thời gian.

 Lời giải vẫn thuộc về các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương, tuỳ theo khảo sát, nghiên cứu và trách nhiệm của mình, đề xuất được những giải pháp thiết thực, hiệu quả...qua đó có tiếng nói chung đưa ra các biện pháp hiệu quả để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cổ...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.