Ngay từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, CTDT và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Cách đây 73 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số-tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, lấy ngày 03/5 hằng năm là Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CTDT. Trải qua thời gian, qua nhiều lần đổi tên, Cơ quan CTDT ngày càng lớn mạnh, đạt được những thành tựu to lớn. Trong công cuộc đổi mới, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, Ủy ban Dân tộc đã tích cực tham mưu, xây dựng nhiều chính sách mới.
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về CTDT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng về CSDT nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng. Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về CTDT. Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định đồng bộ, toàn diện về CTDT. Ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược CTDT đến năm 2020. Chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 57 đề án, chương trình được giao cho 14 bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện là định hướng quan trọng về khung CSDT, bước đầu khắc phục tình trạng ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, nhằm phát triển nhanh, bền vững vùng DTTS, miền núi.
Trong lịch sử CTDT, Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất năm 2015, và tới đây là Đại hội lần thứ Hai năm 2020, khẳng định sự tham mưu của ngành CTDT với những CSDT đúng đắn, tạo sức lan tỏa, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn về CTDT và ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả các CSDT, đến nay vùng DTTS, miền núi đã từng bước phát triển toàn diện. Hiện nay, các tỉnh vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội ĐBKK có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4 %/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam bộ tăng bình quân 7,3%/năm. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK giảm 3-4%.
Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ có báo cáo riêng trước Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi. Nhiều cử tri vùng đồng bào DTTS bày tỏ vui mừng và rất ấn tượng khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Nhiều lời khen dành cho sự chuẩn bị công phu, tâm huyết, trách nhiệm của đơn vị tham mưu–cơ quan Ủy ban Dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện CTDT quan trọng như: xây dựng một chương trình tổng thể, chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng, có tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, cần chú trọng giải pháp “tăng cho vay, giảm cho không”, “hỗ trợ có điều kiện”; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối; phát triển nguồn nhân lực; tạo sinh kế, hỗ trợ khởi nghiệp; kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tuyên truyền vận động để đồng bào tự lực vươn lên; hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về CTDT…
Sau khi xem xét, thảo luận báo cáo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2018/QH14, trong đó nhấn mạnh giao Chính phủ xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện ĐBKK, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi, vùng KT-XH ĐBKK, giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Dự thảo Đề án đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành, Nhân dân. Đề án cơ bản sẽ giải quyết được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong CTDT và thực hiện CSDT hiện nay; thực hiện đa mục tiêu; đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS.
Phát biểu tại một số diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã nhiều lần nhắc đến từ “day dứt” khi đói nghèo, thiên tai… vẫn đang là thách thức lớn ở vùng DTTS. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với CTDT. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, vùng DTTS, miền núi có vị trí chiến lược rất quan trọng. Để phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đến CTDT, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nước ta hiện nay có 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người DTTS (chiếm 14,6% dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Bên cạnh những thành tựu to lớn trong hơn 30 năm đổi mới, hiện nay, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó là tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; khoảng cách giàu nghèo giữa vùng DTTS, miền núi so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; vùng DTTS là vùng được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu… Toàn cầu hóa, hội nhập toàn diện, tác động của công nghệ, công nghiệp 4.0 đến tất cả các quốc gia, trong đó có vùng DTTS, miền núi, vùng KT-XH ĐBKK. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình… Chính vì vậy vai trò của hệ thống cơ quan CTDT từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng.
Nói chuyện thân mật với các đại biểu người DTTS tiêu biểu trong khuôn khổ Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất, năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ngày nay, đời sống của đồng bào các DTTS có bước phát triển nhiều mặt. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, cuộc sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên, khách quan mang lại. Ðó cũng là điều Ðảng, Nhà nước băn khoăn, trăn trở, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng đồng bào tháo gỡ, để từng bước vươn lên.
Có thể nói, những năm gần đây, CTDT đã gặt hái được nhiều thành công và để lại dấu ấn đậm nét. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của hệ thống cơ quan làm CTDT với nhiều giải pháp, định hướng mới, chúng ta tin tưởng ở sự phát triển của vùng DTTS, miền núi thời gian tới, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
THANH HUYỀN