Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo: Hai mươi năm-Một chặng đường

PV - 09:49, 20/04/2018

Thành tựu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) trong hai mươi năm qua là rất ấn tượng; tuy nhiên, tình trạng tái nghèo luôn thường trực, số hộ thiếu đói giáp hạt trên thực tế vẫn còn cao. Một phần nguyên nhân là do chính sách giảm nghèo mới triển khai trên diện rộng, chưa chú trọng đến yếu tố bền vững.

Bài 2: Giảm nghèo nhanh và bền vững-Bài toán khó

Khoảng cách chênh lệch lớn

Kết thúc năm 2017, theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn dưới 7%. Trước đó, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước là 8,23%.

Rõ ràng, so với thời điểm hai mươi năm trước, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước hiện đã giảm nhanh, giảm sâu, nhất là khi đặt trong mối quan hệ nghèo đa chiều (từ 37,4%-nghèo đơn chiều năm 1998 giảm xuống dưới 7% theo chuẩn nghèo đa chiều). Tuy nhiên, thực tế giảm nghèo giữa các địa phương, vùng miền vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Cấp gạo cứu đói vẫn đang là nhiệm vụ thường niên. Cấp gạo cứu đói vẫn đang là nhiệm vụ thường niên.

Cụ thể, theo Quyết định 945/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/6/2017 của Bộ LĐTB&XH về phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong khi nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng, thành thị, số hộ nghèo không nhiều (riêng tỉnh Bình Dương hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo-Pv) thì nhiều địa phương miền núi, vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Cao nhất là tỉnh Điện Biên với tỷ lệ 48,14%; kế đến là Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%), Lai Châu (40,40%),…

Đáng chú ý, thu nhập giữa khu vực nông thôn với thành thị, giữa đồng bằng với miền núi còn một khoảng cách rất lớn. Hiện khoảng cách này vẫn chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về XĐGN lần đầu tiên được phê duyệt.

Theo “Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999” của Tổng cục Thống kê, năm 1996, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 187,9 nghìn đồng/người/tháng, chỉ bằng 37% so với thu nhập bình quân ở khu vực thành thị (509,4 nghìn đồng/người/tháng).

Đến hết năm 1999, sau gần 2 năm thực hiện CTMTQG về XĐGN, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên 225 nghìn đồng/người/tháng; trong khi thu nhập bình quân ở khu vực thành thị tăng lên 832,5 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ bằng khoảng 27% thu nhập bình quân ở khu vực thành thị.

Sau hai mươi năm, khoảng cách về thu nhập giữa các khu vực, vùng miền có rút ngắn nhưng tỷ lệ rất thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 2,44 triệu đồng/người/tháng, chỉ bằng khoảng 55,8% so với khu vực thành thị. Vị chi, trong 18 năm (1999-2017), tốc độ thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn là khoảng 28,8%; bình quân mỗi năm, khu vực nông thôn “gần” hơn khu vực thành thị khoảng 1,5% về khoảng cách thu nhập.

Việc rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa các vùng miền cũng rất chậm. Như các tỉnh trung du-miền núi phía Bắc, năm 1999, thu nhập bình quân đầu người là 210 nghìn đồng/người/tháng; bằng 25,2% so với thành thị. Đến năm 2017 là 2,03 triệu đồng/người/tháng, bằng 44,6% so với thành thị. Như vậy, qua 18 năm, tốc độ thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các tỉnh trung du-miền núi phía Bắc so với vùng thành thị chỉ được 19,4%, bình quân mỗi năm thu hẹp được hơn 1,1%/năm.

Nhiều “điểm nghẽn” trong chính sách

Khoảng cách về thu nhập cũng như sự chênh lệch lớn về tỷ lệ hộ nghèo giữa các khu vực, vùng miền đã đặt ra những mệnh đề cần gấp rút được giải quyết trong công tác XĐGN của nước ta.

Đầu tiên, và có lẽ trên hết, là mệnh đề: thực tiễn và chính sách. Thực tiễn giảm nghèo đã cho thấy, hệ thống chính sách giảm nghèo đã và đang triển khai có độ “vênh” nhất định.

Trên nhiều diễn đàn cũng như trong nghị trường Quốc hội, những “điểm nghẽn” trong hệ thống chính sách giảm nghèo đã được phân tích, mổ xẻ. Trước hết là mâu thuẫn trong mục tiêu giảm nghèo nhanh nhưng lại yêu cầu bền vững. Thực tiễn cho thấy, để đạt được yếu tố “nhanh” thì chắc hẳn, yếu tố bền vững sẽ khó hoàn thành.

Chính ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH đã nêu: Để đạt mục tiêu vừa giảm nghèo nhanh, lại bền vững là bài toán khó. Bởi xuất phát điểm cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của từng vùng, từng địa phương đều có khác biệt.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho giảm nghèo cũng phải cân đối trên tổng thể nguồn lực chung của quốc gia, những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, bão lũ những năm gần đây... đã ảnh hưởng lớn đến việc giảm nghèo bền vững. Nhiều vùng sau 2-3 năm đầu tư, đời sống dân sinh được cải thiện, thay đổi mạnh, nhưng sau một trận bão lũ, gần như quay về xuất phát điểm ban đầu...

Một thực tiễn chứng minh cho sự thiếu bền vững trong XĐGN là tổng số lượt người phải cứu đói đang tăng lên trong vài năm gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, Chính phủ phải hỗ trợ lương thực cho trên 1 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 16,4% so với năm 2015. Còn năm 2017, cả nước có trên 2,2 triệu nhân khẩu thiếu lương phải cứu đói.

“Điểm nghẽn” đáng chú ý trong hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành là sự dàn trải, chồng chéo khiến nguồn lực thực hiện bị phân tán. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ XĐGN chưa hợp lý, tập trung nhiều vào việc trợ cấp tình thế khó khăn hơn là hỗ trợ nhằm đa dạng hóa sinh kế giúp người nghèo tự thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, hiện tượng tái nghèo và nguy cơ tái nghèo luôn thường trực, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, thường xuyên đối diện với thiên tai.

Những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính sách XĐGN hiện đã được nhận diện. Cùng với đó, thực trạng nghèo của nước ta, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi cũng đã được phân tích ở nhiều góc độ. Đây là cơ sở để việc hoạch định chính sách giảm nghèo cho những giai đoạn tiếp theo sát hơn với thực tiễn. Nhưng để thay đổi tư duy xây dựng chính sách, nhất là chính sách trụ cột như giảm nghèo, thì không thể một sớm một chiều.

Vậy đâu là định hướng mang tính nền tảng để xây dựng chính sách giảm nghèo cho giai đoạn sau năm 2020. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.