Giao thông liên thông
Làng Klung, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai), từng được biết đến là một trong những làng khó khăn nhất của huyện Chư Păh. Làng có 40 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Jrai, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Trong muôn vàn thiếu thốn bủa vây làng Klung, có lẽ khó khăn nhất là đường giao thông vì chi phí làm đường quá lớn, ngân sách của địa phương không kham được.
Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn khi có luồng gió từ Chương trình 135 thổi về. Theo đó, mỗi năm từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, xã dành khoảng 500 triệu đồng để làm đường giao thông, làng Klung may mắn được thụ hưởng chính sách này. “Vì nguồn vốn có hạn nên không thể làm một lần, nên mỗi năm làng lại làm một đoạn. Đầu tiên làm trục đường chính từ làng ra trung tâm xã, rồi đến các tuyến trong làng. Đến cuối năm 2018 này, hầu như mọi tuyến đường trong làng Klung đều được thảm nhựa hoặc cấp phối”, ông Huỳnh Trọng Quang, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Hưng chia sẻ.
Từ ngày làng có đường giao thông liên thông các nơi, già Bê, Người có uy tín của làng Klung vui lắm, già Bê kể: “Trước đây, trong làng chỉ có đường đất nên mùa mưa đi lại khổ lắm, nuôi con heo, con bò hay trồng được quả bầu, quả bí... tư thương không dám vào mua vì đi lại quá khó khăn, nên bà con không biết bán cho ai. Lũ trẻ con đến được trường học thì cả người đã nhem nhuốc, thậm chí sách vở còn bị rơi bẩn, rách nát. Có đường rồi, bà con trong làng mình vui cái bụng lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến làng mình. Mình luôn nhắc bà con cố gắng làm ăn, cho con đi học, có cái chữ thì mới thoát nghèo được”.
Huyện Chư Păh có 7 xã và một số thôn, làng ĐBKK được thụ hưởng từ Chương trình 135. Những năm qua, huyện đã ưu tiên đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, riêng năm 2018 là gần 7 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường liên làng như ở làng Klung, xã Nghĩa Hưng; làng Ia Gri, xã Chu Đang Ya; làng Krăh, xã Đăk Tơ Ver; làng Kon Sơ Lai, xã Hà Tây... Nhờ đường giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 12,17%.
“Bò giống thoát nghèo”
Chương trình 135 không chỉ đặt dấu ấn trên những công trình giao thông, mà còn giúp cho người dân có được phương tiện và tư liệu sản xuất như, hỗ trợ máy nông cụ, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi...
Ghé thăm nhà anh R’Lan Jũ ở làng Klung vào những ngày cận Tết, anh đang tất bật dọn dẹp nhà cửa đón Xuân. Anh Jũ vui vẻ cho hay: Con bò này mình được nhận 2 năm rồi. Hôm nghe cán bộ báo được nhận bò, cả nhà mừng vui đến quên cả ăn. Sau khi nhận bò về, mỗi ngày nhà mình thay nhau chăm sóc cho bò. Chuẩn bị đủ cỏ, rơm khô và cám, cho nó ăn 5 bữa, nên con bò lớn nhanh và khỏe. Tính đến nay nó đã đẻ được 2 lần bê con.
“Năm 2017, mình bán một con bê được hơn 6 triệu đồng. Dù chưa thoát nghèo nhưng đã đỡ hơn xưa rất nhiều. Mình đang chăm sóc con bò sinh sản thật tốt, dự định để giống thêm vài con nữa, hy vọng chúng sẽ giúp gia đình mình nhanh chóng thoát nghèo”, anh Jũ tâm sự.
Rời nhà anh Jũ, chúng tôi đến nhà R’Lan Ten cũng ở làng Klung, vừa nhận bò hỗ trợ được vài ngày. Gặp chúng tôi, giọng anh Ten rất phấn khởi: Làm quần quật bao năm, chưa bao giờ gia đình mình có tài sản nào giá trị như con bò này. Cảm ơn Nhà nước đã giúp đỡ cho gia đình món tài sản giá trị và thiết thực này. Mình sẽ cố gắng chăm sóc để nó khỏe nhanh lớn, nhanh sinh sản, giúp gia đình mình thoát nghèo.
Chị Lê Thị Tình, cán bộ nông nghiệp xã Nghĩa Hưng cho hay: “Sau khi các hộ nhận bò, chúng tôi đã vận động các hộ dân làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, phòng trừ bệnh cho bò, đặc biệt là tuyên truyền các hộ nuôi bò lâu dài, không cho tặng hay bán đi”, chị Tình cho hay.
Ngoài việc hỗ trợ bò giống, Chương trình 135 còn hỗ trợ những hộ dân đã có bò, xây cất chuồng trại để chăn nuôi hiệu quả hơn. Gia đình anh Rơ Châm Ônh, làng Krái, thị trấn Phú Hòa có nuôi 5 con bò. Trước đây, anh cho bò nghỉ ở nền đất trũng, không có chuồng, mái che, phải dầm nắng mưa, vì thế đàn bò của anh cứ bị bệnh, không lớn nổi. Anh Ônh kể: “Sau khi được hỗ trợ 5 triệu đồng, mình làm chuồng che chắn cho bò, thấy đàn bò mình khỏe mạnh, béo tốt, không bị bệnh. Mình vừa bán 1 con bò để sắm sửa Tết, cả nhà mình vui mừng lắm”.
Chung niềm vui với các hộ dân, anh Nguyễn Minh Đức, Phó Phòng Dân tộc huyện Chư Păh bộc bạch, qua triển khai thực hiện Chương trình 135 cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình rất hiệu quả và thiết thực. Người dân được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống điện, đường, trường, trạm, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nhờ đó mà cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng khó khăn đang ngày càng được no ấm, đầy đủ hơn trong mỗi mùa Xuân mới.
Năm 2018, Nhà nước đã đầu tư hơn 718,11 tỷ đồng từ Chương trình 135 cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nguồn lực này đã được các địa phương vùng DTTS và miền núi đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất…
THÀNH NHÂN