Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai

Sỹ Hào - 20:19, 10/09/2024

Là địa phương thường chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã chủ động các phương án ứng phó, phòng chống. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa thiệt hại trước tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu thì công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phải tập trung thực hiện hiệu quả “3 trước, 4 sẵn sàng”.

Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường đều sạt lở, giao thông đình trệ tại Cao Bằng

Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra mưa to khiến mực nước trên các sông, suối, ao, hồ dâng cao, nhiều nơi bị ngập lụt. Cộng hưởng với tác động của đợt mưa lũ trong tháng 6, tháng 7 trước đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt trượt rất cao, nhiều vùng trũng sẽ xảy ra ngập lụt.

Xác định nguy cơ thiên tai rất cao sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong và sau bão số 3, công tác ứng phó đã được tỉnh Cao Bằng chuẩn bị, sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, ngày 04/9/2024, UBND tỉnh đã có Công điện số 06 chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương triển khai phương án ứng phó bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; trong đó, chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, lũ quét.

Nhưng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh vẫn không thể tránh khỏi. Đến thời điểm này (sáng 10/9), Cao Bằng là địa phương chịu tổn thất về người nhiều nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai 1
Bí Thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh (đứng giữa) kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại và phòng, chống bão, lũ tại TP. Cao Bằng sáng 09/9/2024. (Ảnh: Vũ Tiệp)

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến sáng ngày 10/9 đã xác định được trên địa bàn tỉnh có 22 người thiệt mạng, 12 người bị thương và 16 người mất tích do mưa lũ, sạt lở đất.

Riêng tại huyện Nguyên Bình, mưa lũ, sạt lở đất làm chết 17 người, 16 người mất tích, 8 người bị thương. Huyện Bảo Lạc, 5 người bị đuối nước do lũ dâng cao cũng đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy thi thể.

Nghiêm trọng nhất là sự cố xảy ra tại Km180+680 Quốc lộ 34, thuộc xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình). Sạt lở taluy đã khiến một ô tô chở khách, 1 xe ô tô và nhiều xe máy đi từ huyện Bảo Lạc đến Nguyên Bình rơi xuống vực.

Ngoài ra, tại Cao Bằng, mưa lũ cũng làm 663 nhà bị thiệt hại, trong đó có 15 bị sập đổ hoàn toàn; trạm y tế các xã Tam Kim, Nguyên Bình, 10 điểm trường ở các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình bị sạt lở taluy dương, đất, đá vùi lấp nền, sân xung quanh nhà trạm hoặc bị nước ngập.

Đề nghị các lực lượng chức năng thông báo, cảnh báo các vị trí nguy hiểm; kiên quyết hơn nữa thông tin về nguy cơ sạt lở đất tiếp tục xảy ra để hạn chế người và các phương tiện tham gia giao thông khi không cần thiết; kiên quyết di chuyển, sơ tán người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn”.
Ông Hoàng Xuân Ánh
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.

Toàn tỉnh có gần 530ha lúa, hoa màu, rau màu bị ngập nước; các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều đường giao thông nông thôn tiếp tục sạt lở đất khối lượng lớn, gây tắc đường đi các xã trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc.

Hiện cũng như các địa phương khác chịu ảnh hưởng bão số 3, tỉnh Cao Bằng đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ; trong đó đang chạy đua với thời gian cũng như mưa lớn để tìm kiếm những người mất tích.

Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói riêng, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn; mưa vẫn chưa dừng, nhiều tuyến đường bị ách tắc; liên lạc bị gián đoạn do hạ tầng thông tin bị hư hỏng, mất điện trên diện rộng...

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 10 – 11/9, o ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Vì vậy, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3, có sông trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai 3
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Nguyên Bình ngày 09/9/2024

Còn theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cao Bằng, trong những ngày tới, nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều nơi trong tỉnh, lũ duy trì mức độ ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông Gâm tại thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) và vùng thấp ven sông Bằng thuộc các phường Hợp Giang, Sông Hiến, Sông Bằng, Đề Thám và xã Vĩnh Quang.

Trước tình hình này, cùng với nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, khẩn trương tìm kiếm cứu họ, cứu nạn người mất tích, bảo đảm đời sống Nhân dân sau lũ thì các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cần quyết liệt triển khai các giải pháp để ứng phó trước nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất ở các địa phương; thực hiện nghiêm Kế hoạch số 1149/KH-UBND ngày 15/5/2024 về phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Trong Kế hoạch số 1149/KH-UBND, tỉnh Cao Bằng đã xác định rất rõ các vùng có nguy cơ thiên tai rất cao. Điều cần thiết lúc này là các sở, ngành, địa phương của tỉnh Cao Bằng cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác ứngphó, phòng chống thiên tai với phương châm “3 trước” (phòng ngừa chủ động; ứngphó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ;lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Các vùng có nguy cơ thiên tai cao ở Cao Bằng:

1. Vùng ngập lụt:

Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) khi mưa lớn gây ra ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp, chủ yếu tại các khu vực hai bờ sông, suối của huyện Hà Quảng, Quảng Hòa, Bảo Lâm, Hạ Lang, Bảo Lạc, Trùng Khánh và một số xã, phường TP. Cao Bằng.

2. Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét:

- Huyện Bảo Lạc, gồm các xã: Sơn Lộ, Hưng Thịnh, Khánh Xuân, Thượng Hà, Cô Ba, Huy Giáp, Phan Thanh, Bảo Toàn, Xuân Trường, Đình Phùng, Hưng Đạo, Hồng Trị, Kim Cúc và thị trấn Bảo Lạc.

- Huyện Bảo Lâm, gồm các xã: Nam Cao, Nam Quang, Đức Hạnh, Thạch Lâm, Mông Ân, Thái Sơn, Quảng Lâm, Thái Học, Lý Bôn và thị trấn Pác Miầu.

- Huyện Nguyên Bình, gồm các xã: Thể Dục, Hưng Đạo, Triệu Nguyên, Thành Công, Quang Thành và Thị trấn Nguyên Bình.

- Huyện Hạ Lang, gồm các xã: Thống Nhất, Vinh Quý, Đức Quang, Minh Long, Lý Quốc, Đồng Loan, Thắng Lợi, Kim Loan, An Lạc, Quang Long, Thị Hoa, Cô Ngân và Thị trấn Thanh Nhật.

- Huyện Hà Quảng, gồm các xã: Sóc Hà, Quý Quân, Trường Hà, Ngọc Đào, Lương Can, Đa Thông, Lương Thông, Cần Yên, Cần Nông, Thị trấn Thông Nông và Thị trấn Xuân Hoà.

- Huyện Trùng Khánh, gồm các xã: Chí viễn, Phong Châu, Cao Chương, Quang Hán, Tri Phương, Xuân Nội, Đàm Thủy.

3. Khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá:

- Huyện Bảo Lâm: gồm khu dân cư các xã Thạch Lâm, Lý Bôn, Thái Sơn, Vĩnh Quang, Nam Quang, Nam Cao, Mông Ân, Quảng Lâm, Thái Học và thị trấn Pác Miầu.

- Huyện Bảo Lạc: Gồm khu dân cư xã Sơn Lộ (xóm Bản Riềng), xã Hưng Đạo (xóm Nà Chào, xóm Riềng Thượng), xã Xuân Trường (xóm Phia Phoong, xóm Tả Xáy và xóm Lũng Pèo).

- Huyện Nguyên Bình: Gồm khu dân cư TT.Tĩnh Túc, xã Minh Tâm, Thể Dục và xã Thành Công.

- Huyện Hà Quảng: Khu dân cư xã Cần Yên.

- Huyện Thạch An: Gồm khu dân cư các xã Quang Trọng (thôn Nặm Dạng, Nà Cọn, Nà Mu, Tân Lập), xã Thái Cường (thôn Khuổi Kẹn), xã Kim Đồng (thôn Nà Vai, Xuân Thắng, Nặm Nà, Chu Lăng - Bó Chàm, Bản Sộc), các thôn Đoàn Kết, Thành Công dọc bờ suối xã Đức Long, Đường GTNT các xã Quang Trọng, Đức Xuân, Thái Cường, Thụy Hùng, Minh Khai, Kim Đồng.

- Huyện Quảng Hòa: Khu dân cư xóm Đầu Cầu 1, xã Quảng Hưng; xã Độc Lập (xóm Nà Lèng), xã Quốc Toản (xóm Cao Xuyên, xóm Lũng Sặp, Cốc Phát – Pác Pầu), xã Mỹ Hưng (xóm Nà Lếch); bờ sông Bằng Giang xã Tiên Thành (xóm Trung Thành), xã Phúc Sen (xóm Pác Rằng, Quốc Tuấn, Dìa Dưới), xã Đại Sơn (Keng Càng xóm Đại Tiến, Kenh Khuống, xóm Bản Chu).

- Huyện Hòa An: Khu dân cư xóm Long Khang, xóm Phúc Sơn, xã Đức Long; xóm Canh Biện, xóm Nặm Loát, xã Nguyễn Huệ; các hộ dân xóm Khuổi Khoang, khu vực UBND xã, trường Tiểu học THCS bán trú, Trạm Y tế xã Ngũ Lão, xã Quang Trung; xóm Bế Triều, thị trấn Nước Hai.

- Huyện Hạ Lang: Khu dân cư và đường giao thông xóm Bản Kha, xóm Lỳ Luông, xã Thắng Lợi; xóm Lũng Cuốn, xóm Ba Tăm Khẻo Mèo, xã Quang Long; xóm Khum Đin, Làn Lừa, Bắc Vọng , xã Vĩnh Quý.

- TP. Cao Bằng: Khu dân cư các phường: Sông Hiến, Sông Bằng, Duyệt Trung.

(Nguồn: Kế hoạch số 1149/KH-UBND ngày 15/5/2024 về phòng, chống thiên tai năm 2024 của UBND tỉnh Cao Bằng)


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.