Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Rừng tự nhiên bị “cạo trọc”, chính quyền không hay biết

Lê Phương - 00:03, 22/07/2020

Theo phản ánh của các hộ dân tại thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định), thời gian qua, trên địa bàn xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên với số lượng lớn để trồng cây lâm nghiệp. Sự việc xảy ra đã nhiều tháng, tuy nhiên chính quyền địa phương và các ngành chức năng không hề hay biết.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc chặt hạ
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc chặt hạ

Rừng tự nhiên bị tàn phá

Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi men theo con đường mòn đến Tiểu khu 235, thuộc thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, chứng kiến hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ có đường kính từ 80 - 100 cm, bằng một người ôm đã bị lâm tặc triệt hạ. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị các đối tượng “cạo trọc”, đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn.

Điều đáng nói là việc phá rừng này đã diễn ra từ khá lâu, đứng ngoài bìa rừng cũng có thể nhìn thấy nhiều khoảnh rừng lớn bị “cạo trọc”. Đi men theo đường mòn có sẵn hướng lên đỉnh núi đã nghe thấy tiếng cưa máy “gào thét” vang cả cánh rừng. Thế nhưng chính quyền địa phương và cả cơ quan chức năng lâu nay không hay biết.

Thời điểm chúng tôi đi thực tế (17/7/2020) khi mới bước vào khu rừng bị phá, các đối tượng thấy có người lạ đã mang theo cưa máy, bỏ chạy tới những khu vực khác và bỏ lại nhiều đồ như: dao, rựa, can đựng nước lớn, dầu nhớt, võng, bạt... Càng tiến sâu hơn vào những cánh rừng tự nhiên khác, thì càng có nhiều khoảnh rừng lớn gần cả chục ha bị đốn hạ. Trong đó có hàng chục loại cây gỗ quý thuộc nhóm I, II, III, IV vừa mới bị cưa hạ chỉ còn sót lại dấu vết mùn cưa ở dưới đất.

Những cây gỗ bị chặt hạ có dấu vết cưa còn mới
Những cây gỗ bị chặt hạ có dấu vết cưa còn mới

Theo một người dân ở thôn Thượng Sơn (xã Tây Thuận), gần 2 - 3 tháng nay, nhiều đối tượng đã tổ chức đốt, phá rừng. Cách thức phá rừng ở đây là những cây nhỏ, cỏ dại để khô rồi đốt trước, còn những cây gỗ lớn có giá trị sẽ được cưa từng tấm lớn thu hoạch sau. Tầm vào tháng 8 tới, những cánh rừng này sẽ được đốt, dọn dẹp và trồng thay thế bằng cây lâm nghiệp.

Cũng theo người dân địa phương, rừng bị chặt hạ này trước là rừng tự nhiên, người dân không có ai vào rừng để khai thác hay chặt phá. Không hiểu tại sao, thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều đối tượng (cả người địa phương và người ngoài địa phương) thường xuyên vào đây mở đường, chặt hạ cây rừng với diện tích lên tới cả chục ha nhưng không thấy lực lượng chức năng nào vào truy quét hay xử lý?.

Nhằm xác định rừng bị tàn phá thuộc loại rừng gì và do đơn vị nào quản lý, chúng tôi đã làm việc với ông Lỳ Phùng Lê, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Sơn. Ông Lê cho biết: Theo thông tin phóng viên cung cấp thì tiểu khu 235 không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Sơn, mà do Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Tây Thuận trực tiếp quản lý.

“Những cánh rừng bị phá này là rừng tự nhiên, giáp ranh với rừng sản xuất. Nhưng cho dù là rừng sản xuất cũng không được phá, nếu phá với quy mô lớn như thế này thì hoàn toàn sai và có thể bị truy tố trước pháp luật”, ông Lê khẳng định.

Cần xử lý nghiêm

Chúng tôi tiếp tục liên hệ và làm việc với ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, ông Bảo cũng chưa nắm được việc phá rừng này. Ông Bảo nói: “Sau khi tiếp nhận và xem trực tiếp những hình ảnh, chứng cứ mà phóng viên cung cấp tại hiện trường về tình trạng phá rừng tại tiểu khu 235. Trong thời gian sớm nhất, Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phải vào khu vực rừng bị phá để nắm tình hình, kiểm tra và ghi nhận thực tế về tình trạng phá rừng. Khi đã xác minh được tình hình cụ thể và các đối tượng phá, hủy hoại rừng thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến việc phá rừng trên, chiều ngày 20/7, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định đã cùng với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Thuận đã đi kiểm tra hiện trường tại cánh rừng bị tàn phá. Qua kiểm tra, ông Phúc, thừa nhận thông tin do phóng viên cung cấp về vụ phá rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 235 là đúng sự thật.

Nhiều diện tích rừng bị tàn phá và đốt cháy tại tiểu khu 235, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn
Nhiều diện tích rừng bị tàn phá và đốt cháy tại tiểu khu 235, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn

“Đây là rừng sản xuất, giáp với rừng tự nhiên, chủ quản lý rừng là UBND xã Tây Thuận. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Sở sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm huyện làm báo cáo về việc rừng bị phá hủy. Từ đó, Sở sẽ giao cho kiểm lâm và công an huyện xác minh, làm rõ đối tượng đã phá hủy rừng và truy tố đối tượng phá rừng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Phúc cho biết.

Rừng thì đã bị phá, chính quyền địa phương cũng đã xác nhận và khẳng định sẽ vào cuộc kiểm tra, xử lý. Dư luận và người dân rất mong chờ kết quả điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ phá rừng tại Bình Định, để trả lại niềm tin cho Nhân dân. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi vụ việc và tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở các kỳ báo sau.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.