Mà triệu trứng của căn bệnh này là thói giả dối, hợm hĩnh, ưa hình thức. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài còn bên trong lại là một trạng thái trái ngược.
Tức là cá nhân, tổ chức mắc bệnh có khả năng yếu kém và luôn phải che đậy trình độ thật của mình.
Bệnh thành tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về khách quan có thể là do quá trình lịch sử để lại. Đất nước ta mới thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Mà người Việt có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi người ta đủ ăn, đủ mặc, nhiều người đã nghĩ đến chuyện “mua danh”. Vậy là dù chưa đủ năng lực, trình độ, chưa xứng đáng nhưng họ vẫn bằng mọi giá và mọi cách đạt được danh hiệu.
Về nguyên nhân chủ quan, nhiều người không có một nền tảng giáo dục tốt. Luôn muốn ra oai, khoe mẽ… bằng những thành tích đôi khi không do năng lực mang lại. Đấy là chưa kể nhiều người “lạm dụng tín nhiệm” dùng các thành tích để mưu cầu các lợi ích riêng như thăng quan, tiến chức, làm ăn buôn bán...
Mặc dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu chung lại, đã là “bệnh” thì đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài. Một xã hội cũng vậy, khi bệnh thành tích ngày càng biến chứng, lây lan với tốc độ nhanh và quy mô rộng càng khiến cho xã hội rối ren, ảnh hưởng không nhỏ đến người khác. Ví dụ một cá nhân để đạt được thành tích nào đó sẵn sàng “chơi xấu” đồng nghiệp, đánh đổi cả gia tài, lương tâm lấy 1 tấm huy chương; hay một xã muốn về đích nông thôn mới, sẵn sàng huy động quá sức dân để làm các công trình như nhà văn hóa, cổng làng… để lại một gánh nợ không hề nhỏ cho các thế hệ sau.
Từ cách bắt “mạch” tìm ra căn nguyên của bệnh thành tích, sẽ giúp chúng ta bốc đúng loại thuốc, đúng liều lượng. Trong đó, về mặt luật pháp, chúng ta cần xây dựng một hệ thống văn bản thi đua, khen thưởng chặt chẽ, tạo được các bộ tiêu chí sát với thực tế, đánh giá đúng người đúng việc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi cố tình khai báo không trung thực nhằm nhận thành tích.
Nhưng, cách chữa bệnh hiệu quả nhất vẫn nằm ở chính các “bệnh nhân”. Khi chúng ta có một nền giáo dục “tử tế”, chúng ta sẽ tạo được những sản phẩm là con người trung thực, biết phấn đấu nhưng không chạy theo thành tích một cách giả dối. Những con người ấy cũng sẽ đủ sức đề kháng với lối suy nghĩ tiêu cực trong xã hội.
KẺ SĨ