Thôn Bản Túm có 122 hộ dân với 3 dân tộc Tày, Mông, Nùng sinh sống là thôn khó khăn nhất của xã Trung Hà. Để người dân, nhất là đồng bào Mông ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, chi bộ thôn đã xây dựng nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để lãnh đạo, vận động người dân thực hiện. Theo đó, chi bộ đã phân công cho từng đồng chí đảng viên phụ trách, vận động nhóm hộ thực hiện.
Bà Seo Thị Hòa, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Túm cho biết: Cuộc sống của người dân ở Bản Túm đã thay đổi nhiều, từ phát triển kinh tế đến kiến thiết nhà cửa đều đã tốt hơn. Ở đây đã xóa được độc canh cây lúa, người dân năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng các loại cây màu vào sản xuất như cây dưa hấu, lạc, ngô phù hợp với từng chân ruộng và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Trong 2 năm gần đây, thôn phát triển mạnh 22 ha mía, vượt 300% chỉ tiêu được giao; trồng rừng sản xuất 21 ha, đạt 116% chỉ tiêu theo quy hoạch chung của huyện, tỉnh. Bên cạnh đó, người dân duy trì nuôi trâu sinh sản với tổng đàn trên 100 con và gần 5.000 con lợn, gà... Nhiều hộ từ nghèo khó đã vươn lên khấm khá như gia đình các ông: Ma Đức Chuyền, Ma Công Chướng, Ma Đức Bình, Ma Đình Núi, Thào Seo Sáy, Thào Seo Chí...
Kết quả này đã phản ánh sự nỗ lực vận động của chi bộ, chính quyền, đoàn thể trong thôn mà hơn hết là những người đứng đầu. Theo bà Hòa, để vận động người Mông trong thôn trồng mía, bà đã phải đến từng nhà, phân tích hiệu quả của cây mía so với cây sắn; phối hợp với cán bộ nông vụ của nhà máy đường làm mô hình trình diễn để hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc. Khi nhóm hộ tham gia mô hình thu hoạch mía, thấy có lợi nhuận, người Mông mới đưa cây mía vào trồng.
Anh Thào Seo Chí trồng trên 4.000 m
2 mía trên đất vườn đồi trước kia trồng sắn, năng suất vụ 2017 đạt 90 tấn/ha, sản lượng đạt trên 22 tấn, thu được 20 triệu đồng. Anh Chí cho biết, cây mía đã giúp gia đình anh có một khoản thu nhập đáng kể. Năm 2018, anh trồng thêm 1.000 m
2 làm mô hình cánh đồng mẫu của thôn. Anh Chí bảo “Người Mông ở khe núi Khuôn Kìm trồng mía là nhờ trưởng thôn Hòa vận động đấy, chứ người Mông không biết nhiều về cây mía, cách trồng và chăm sóc đều nhờ trưởng thôn Hòa đưa cán bộ nhà máy đường về chỉ bảo. Giờ thì các hộ người Mông trồng mía cả, hộ ít cũng trên 1.000 m
2, nhiều thì trên 6.000 m
2, cây mía đang là hướng thoát nghèo của người Mông”.
Cùng với vận động người dân trồng cây mía, cán bộ thôn còn đẩy mạnh vận động trồng rừng sản xuất. Năm 2017, thôn trồng mới trên 10 ha rừng, 5 tháng năm 2018 đã trồng được 9/12 ha. Ông Ma Đình Núi cho biết, gia đình có 10 ha rừng sản xuất. Trước đây, một nửa diện tích này, gia đình ông trồng sắn, ngô cũng có hiệu quả, nhưng khá vất vả lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá bán.
Được cán bộ xã, thôn vận động, ông đã chuyển sang trồng keo, xoan. Khai thác đến đâu, ông trồng lại luôn đến đó chứ không trồng cây khác vì trồng keo, xoan chỉ 6 - 7 năm sau được khai thác không mất quá nhiều công chăm sóc, lại đúng quy hoạch của Nhà nước, không phải lo lắng đầu ra. Thấy gia đình khấm khá từ rừng, các hộ dân trong thôn đã đua nhau trồng rừng thay vì làm nương rẫy như trước kia. Theo thống kê chưa đầy đủ thì toàn thôn hiện có khoảng 30 ha rừng sản xuất, chủ yếu là trồng keo. Từ nỗ lực chuyển đổi cây trồng, năm 2017, Bản Túm đã có 14 hộ thoát nghèo.
Bên cạnh việc lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền thôn vận động người dân thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp làm khuôn viên nhà văn hóa, lắp đặt kênh mương... Theo đó đã có 24 hộ thực hiện chỉnh trang nhà cửa, làm chuồng gia súc cách xa nhà; vào ngày 15 hằng tháng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; tình hình an ninh được giữ vững. Năm 2017, chi bộ, chính quyền và các đoàn thể trong thôn được đánh giá đạt vững mạnh. Chi bộ thôn là tập thể tiêu biểu về thực hiện công tác dân vận của Huyện ủy Chiêm Hóa năm 2017.
Theo Báo Tuyên Quang